Tại Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Techfest Whise 2023, Quảng Nam được vinh danh vì có đóng góp nổi bật cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Trong Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia Quảng Nam cũng thắng lớn với dự án AWT – Carbon của Nguyễn Quốc Vương giải Nhất; dự án Hạt nêm rau củ Long Hoa giải Nhì của hai cô gái trẻ Nguyễn Thị Minh Châu và Nguyễn Thị Quỳnh Nga như một lời chào tạm biệt năm 2023 với đầy ”quả ngọt”.
Làm cái khách hàng cần, phát huy thế mạnh địa phương
Về phường Cẩm An (TP Hội An), chúng tôi gặp Minh Châu (32 tuổi) – từng là nhân viên ngân hàng và Quỳnh Nga (37 tuổi) – chuyên cung cấp sỉ nông sản cho các nhà hàng, khách sạn. Đây là hai đồng sáng lập dự án khởi nghiệp Hạt nêm rau củ Long Hoa.
Trong giai đoạn dịch Covid-19, hai cô gái vì muốn gửi thực phẩm hỗ trợ đồng bào ở trong vùng phong tỏa TP.HCM mà đã tự mình tìm mua nông sản. Lặn lội về các xã thuộc huyện Duy Xuyên, Quỳnh Nga và Minh Châu thấy những người nông dân ”bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” làm ra rất nhiều nông sản song bán giá quá rẻ.
”Khoai chỉ giá 4.000 – 5.000 VNĐ/kg, bắp, bí đỏ… sản lượng lớn hàng tấn/ha nhưng không có đầu ra. Tôi ý thức được thế mạnh của đất nước nông nghiệp với sản lượng lương thực, thực phẩm dồi dào. Đó là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội khởi nghiệp để phát triển sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu”, Nga hào hứng kể câu chuyện khởi nghiệp của mình.
Theo Sở Công Thương Quảng Nam, hàng năm, ngành nông nghiệp tỉnh cung cấp cho thị trường 230.000 tấn sản phẩm nhóm ngũ cốc và rau củ quả.
Nga từng đi lên từ việc làm đại lý bán hành, tỏi. Tiền xây nhà, mở xưởng bán giò chả chay, mở một cửa hàng nông sản tại Hội An cũng từ tiền buôn bán hành, tỏi. Theo Nga, sản phẩm làm ra dù nhỏ bé nhưng ai ai cũng đều cần và dùng thì đó là tiềm năng, lợi thế lớn.
Hơn 30 năm ăn chay trường, 9 năm kinh doanh thực phẩm chay, Quỳnh Nga có hệ thống bán hàng chay không chỉ tại Quảng Nam mà trên khắp cả nước. Từ hào hứng nghĩ đến thu mua và tạo ra sản phẩm chế biến bằng nông sản cho nông dân xứ Quảng, Nga không ít lần định làm bánh ngũ cốc và các loại sữa từ thực vật, nhưng làm các sản phẩm đó thì cô mãi chỉ là người đi sau.
Vài đêm thao thức, hai cô gái trẻ quyết định dấn thân vào sản phẩm cả miền Trung chưa có ai làm, đó chính là sản xuất hạt nêm từ rau củ. Tiếp nối văn hóa ẩm thực Việt nói chung và ẩm thực xứ Quảng nói riêng, từ món ăn bình dân, truyền thống hay cách tân đều không thể thiếu gia vị đi kèm tạo nên nét chấm phá ấn tượng trong mỗi bữa ăn ngon.
Với sự hướng dẫn của Ban Cố vấn khởi nghiệp cấp tỉnh, Nga bắt tay vào nghiên cứu thị trường. Tại TP Hội An, một nhãn hàng hạt nêm từ thịt tiêu thụ khoảng 30 tấn/tháng, rất ít nhãn hàng gia vị từ Đức, Đài Loan có hạt nêm rau củ. Điều này cho thấy đây là sản phẩm người dân có nhu cầu tiêu dùng lớn.
Tìm đến chuyên gia về thực phẩm tại TP.HCM, ngược xuôi nghiên cứu thị trường, công thức sau 1 năm, Nga và Châu bắt đầu hình thành được sản phẩm Hạt nêm rau củ đủ vị yêu thương.
Quy trình sản xuất ra những hạt nêm rau củ trải qua nhiều công đoạn: từ mua nguyên liệu, sơ chế, sấy khô, nghiền rau củ, muối, đường thành những hạt siêu mịn, trộn, tạo hạt, sấy khô tiệt trùng, sàng lọc những hạt không đẹp trước khi đóng gói bao bì.
Gần 20 lần làm thử, thất bại, lại làm thử, Long Hoa mới có sản phẩm hoàn chỉnh để tung ra thị trường. ”Thấy cải thảo ngon nên tôi muốn thêm một chút vào hạt nêm nhưng không ngờ bột cải thảo cứng, nếu nhiều quá nấu lâu tan. Khi trộn nguyên liệu dù chỉ một hạt bụi rơi xuống cũng có thể khiến hạt nêm không chuẩn vị. Những lần thử mặn quá, ngọt quá đều thất bại”, Nga nhớ lại.
Mỗi lần sản xuất thử 10 gói, hai cô gái cứ gửi người thân dùng rồi chờ phản hồi và điều chỉnh. Nhiều lần mang sản phẩm đi chào hàng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Khi tìm hiểu thị trường, Nga và Châu biết một cửa hàng thực phẩm sạch ở Nam Phước bán rất chạy. Hai chị em đến chào hàng nhiều lần vẫn bị từ chối và quyết định gửi hàng cho họ dùng thử. Chủ cửa hàng đã đem biếu một vị thầy chùa và được khen ngon, nhờ lấy giúp và từ đó họ trở thành đại lý cho Long Hoa.
Tiếp tục hành trình sáng tạo, Long Hoa nghiên cứu ra mắt thêm nhiều sản phẩm khác.
Phía sau những ”chiến binh khởi nghiệp”
Sau cuộc thi, Long Hoa liên tục nhận được nhiều đơn hàng, cộng tác viên mới.
Nhớ lại hành trình khởi nghiệp, Minh Châu xúc động: ”Mọi người trong nhóm khởi nghiệp hay gọi anh Phạm Ngọc Sinh là anh cả khởi nghiệp xứ Quảng vì sự quan tâm và tạo điều kiện rất nhiều cho anh em khởi nghiệp trẻ. Vừa qua, Hạt nêm rau củ Long Hoa được kết nối vào TP.HCM tham gia Techfest VietNam. Đó cũng là cơ hội để chúng tôi được giới thiệu tới các doanh nghiệp lớn
Hiếm có địa phương nào như Quảng Nam có Ban điều hành Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tích hợp các đề án, dự án về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp cấp tỉnh.
Lặng lẽ dõi theo và nâng từng bước đi của các start-up trẻ, ông Nguyễn Bão Quốc – thành viên Ban Cố vấn Khởi nghiệp – nhớ về hơn 1 năm trước, từ lúc nghe Long Hoa đưa ra ý tưởng còn khá mông lung đến bây giờ bán được tiền tỷ, phát triển mạng lưới bán hàng đến 9 tỉnh, thành. Ban cố vấn phát triển về mặt chiến lược tổng thể, như bản đồ chỉ đường để các start-up khai phá năng lực, phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường, xây dựng thương hiệu bán hàng.
Trong vai trò cố vấn, ông Quốc sớm nhận ra sản phẩm sẽ là ”hot trend” có tiềm năng đi xa và tạo động lực để các học trò có niềm tin vào điều mình làm. ”Ý tưởng của Long Hoa xuất phát từ tâm. Tôi giúp các bạn tìm hiểu khách hàng cần gì, phân tích mô hình kinh doanh, hướng dẫn nghiên cứu thị trường, sản phẩm mẫu, lấy ý kiến khách hàng, chọn lọc cái nào giữ lại rồi mới phát triển tung sản phẩm ra thị trường”, ông Quốc nói.
Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Quảng Nam tổ chức Ngày hội khởi nghiệp xanh và đề cao tài nguyên bản địa, như là các chọn hướng đi đón đầu cho chuyển đổi xanh. Dự án giải Quán quân và dự án giải Nhì tại Chương trình phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia nằm trong tư duy ấy.
Ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng Ban Điều hành hỗ trợ Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Quảng Nam – cho hay: ”Cả hai dự án đều đạt giải cao cấp tỉnh và vùng; giải quyết vấn đề xã hội đang cần, tiềm năng rất lớn. Kỳ vọng sẽ thành công cao hơn”.
Năm 2023, một năm bùng nổ kết nối thương mại sản phẩm khởi nghiệp của Quảng Nam. Bên cạnh các nhà khởi nghiệp trẻ tài năng và đam mê luôn có Ban điều hành hỗ trợ khởi nghiệp, những người thầy trong Ban Cố vấn khởi nghiệp đồng hành và hỗ trợ các ý tưởng, dự án. Đó là cả một quá trình truyền lửa, khơi dậy, ươm mầm, nuôi dưỡng, hoàn thiện và phát triển.
”Mỗi giai đoạn, cần sự đồng hành và hỗ trợ khác nhau song, phải thường xuyên đề cao các giá trị: Nuôi dưỡng đam mê và truyền cảm hứng khát vọng vươn lên; Chăm lo đào tạo, kết nối để dự án phát triển; Thương mại và quảng bá sản phẩm trên nền tảng sở hữu trí tuệ”, ông Sinh chia sẻ.
Năm 2024 và các năm tiếp theo, Quảng Nam xác định tiếp tục lan tỏa khát vọng khởi nghiệp trong xã hội và thành công Năm Khởi nghiệp 2023; Tổ chức các diễn đàn cấp quốc tế, quốc gia. Chăm lo đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn giảng dạy khởi nghiệp (ToT) cho lâu dài. Đề cao chương trình tìm kiếm Tài năng khởi nghiệp. Đồng thời, liên kết và thương mại hóa sản phẩm khởi nghiệp mạnh mẽ.
Bảo Hòa